Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

MALAYSIA - Quán quân du lịch Asian

Với diện tích 329.758 km2 - tương đương Việt Nam, dân số khoảng 28.000.000 người nhưng năm 2010, Malaysia đón trên 25.000.000 khách quốc tế - gấp 5 lần Việt Nam và tiếp tục vị trí số 1 về du lịch Asean nhiều năm liền. Bỏ xa các đối thủ Thái Lan - 15 triệu, Singapore - 11 triệu, mặc dù du lịch Malaysia gần như không có sex. Từ Sing qua Mã, người 2 nước sử dụng loại passport đóng dấu tự động. Khách đưa passport vào máy kiểm tra và đóng dấu mà không cần nhân viên kiểm soát. Du khách các nước vẫn xếp hàng làm thủ tục nhưng nhanh, gọn và thân thiện đến không ngờ. Thấy cảnh này, nhiều người Việt đã buột miệng “Làm vậy mới đón được nhiều khách, chứ rề rà và khó dễ như mình thì cứ an phận đứng đầu tốp cuối của Đông Nam Á!” 


Không xô bồ và ầm ĩ ăn chơi như Thái Lan. Cũng không hào nhoáng và hiện đại như Singapore; Malaysia có sức quyến rũ riêng. Vẫn cổ kính mà tân thời và xanh sạch. Các đô thị là những tòa nhà cao vút, những công trình hiện đại; xen kẽ giữa rừng xanh bạt ngàn là những ngôi nhà nhỏ theo phong cách truyền thống. Malaysia hiện có 3 di sản thế giới là: Vườn quốc gia Kinabalu - nơi có đỉnh núi cao nhất Đông Nam Á, Phố cổ Malacca, Vườn quốc gia Gunang Mulu - nơi có hệ thống hang động Mulu cực đẹp. Xét về số lượng các di sản thế giới, Malaysia chỉ bằng 3/7 Việt Nam. Ở Trung Ương, Malaysia có Bộ Du Lịch và bên dưới là các Cục trực thuộc. Các bang ở Malaysia đều có Cục Du Lịch trực thuộc chính quyền tiểu bang. Bộ Du Lịch Malaysia hiện có 43 văn phòng đại diện tại 31 quốc gia. Riêng ở Việt Nam có 2 văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giam đốc văn phòng đại diện tại Hà Nội là Tùy Viên Du Lịch thuộc Đại Sứ Malaysia tại Việt Nam.

Lâu nay, du khách Việt Nam ấn tượng với Malaysia qua Tháp Đôi Petronas Twin Tower - cao 482 m và Genting (cách Kuala Lumpua 58 km) – khu phức hợp vui chơi, giải trí, casino lớn nhất ở Đông Nam Á. Ít ai biết rằng, trước năm 1965, khi công ty Genting Highland được thành lập, đây là vùng cao nguyên hoang dã. Phải mất 4 năm để hoàn thành con đường huyết mạch từ Genting Sempah lên đỉnh Gunung Ulu Kali. Khách sạn đầu tiên khai trương năm 1971, sau 2 năm xây dựng. Đến nay, Genting có 6 khách sạn quốc tế, trong đó First World Hotel là khách sạn lớn nhất thế giới, với 6.118 phòng, Genting còn có cáp treo dài 3,38 km (Skyway Genting) với vận tốc 21,6 km/giờ; các khu nhà nghỉ trên núi, tổ hợp Golf Awana và các khu nghỉ mát cho dân địa phương. Genting được mệnh danh là “thành phố trong mây”, “thành phố giải trí”, “thành phố không ngủ”; bởi những hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm. Ngày nay, Genting còn mở rộng thêm nhiều lĩnh vực kinh doanh như: Đồn điền, nhà máy giấy, điện lực, dầu, gas, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, bất động sản…Riêng đội tàu du lịch có 22 chiếc, liên kết với Star Cruiser, có sức chứa trên 35.000 giường, đưa du khách vòng quanh thế giới. Tan Sri Lim Gok Tong (1918 – 2007) cha đẻ của Genting, lúc nào cũng khiêm tốn “Tôi không có bài học to tát nào của một doanh nhân để dạy cho thế giới. Tôi chỉ thấy là tôi phải có nghĩa vụ và làm tròn trách nhiệm của một người dân Malaysia mà thôi”. Đánh giá về ông, cựu thủ tướng Mahathir Mohamad ghi nhận “Sự khéo léo, chuyên chú vào một mục đích và lòng gan dạ đã giúp ông dũng cảm vượt qua mọi thách thức. Đức khiêm tốn cũng là căn nguyên để ông trở thành con người có tri thức và thành đạt”. Tan Sri Lim Kok Thay (1953) – con trai của Tan Sri Lim Gok Tong đang kế tục thành công sự nghiệp của cha mình. Nhiều lần dạo chơi giữa Genting tấp nập, tôi cảm nhận Lim Gok Tong vẫn ở đâu đây, vẫn hiện hữu trong những công trình mà ông đã dành trọn cuộc đời tâm huyết và khiêm tốn. Tôi trộm nghĩ: “Nếu mọi người đều nêu cao nghĩa vụ công dân trước khi quyết định công việc của mình như ông chủ Genting thì đất nước có những ông chủ như vậy nhất định sẽ hùng cường”.Nhìn lại Việt Nam, nhiều doanh nhân “Chưa làm ông Nghè đã đe hàng Tổng”, cứ phát biểu vung vít, nổ cho sướng miệng hoặc khoe của. Biết đến bao giờ mới có những Lim Gok Tong ở Việt Nam ??

Trên đường vào Kuala Lumpua, các công ty du lịch thường đưa khách ghé động Batu. Nhiều người tưởng hang động Malaysia chỉ có vậy. Batu chỉ có thể ví với Hà Tiên chứ không thể sánh với Hạ Long, Phong Nha, Cao Bằng…Phải một lần khám phá hang đông Mulu thuộc vườn quốc gia Gunung trên bán đảo Sarawak. Nằm sâu giữa rừng, trong lòng những dãy núi đá vôi hiểm trở. Mulu là hệ thống hang động hoành tráng, bề thế và kỳ thú nhất – nhì châu Á cũng như thế giới. Rất nhiều hang động, như một thành phố lạ lung., bí ẩn. Hang Nước Trong (Clear Water) trên một dòng sông ngầm, nước trong như pha lê và lạnh đến rợn người, nhìn là muốn nhảy ùm xuống tắm. Hang Langs (Langs Cave) có cửa như quái thú chờ mồi mà thạch nhũ là những chiếc răng sắc nhọn. Bên trong là cả thế giới thạch nhũ cực kỳ sống động. Hang Racer có nhiều khối đá kỳ lạ như khu vườn ma quái. Hang Bàn Tay Đen, với những bàn tay khổng lồ còn in rõ dấu trên vách đá, chẳng biết của ai và tự bao giờ ?. Hang Deer, cao 200m, rộng 492m, dài 2km được xem là thủ đô của loài Dơi, ước tính có mấy triệu con. Phân Dơi như một lớp thảm dày, có nơi dồn thành gò, nồng hắc đến khó chịu. Khi trời nhá nhem tối, là lúc Dơi bay đi kiếm ăn. Du khách sững sờ trước cảnh từng đàn Dơi bay ra. Ban đầu như dải lụa đen vô tận, sau thành những đám mây đen kịt. Vậy mà không có bất kỳ sự va chạm nào !. Ngước nhìn lên cửa hang, thấy mình thật nhỏ bé và kinh ngạc với chân dung khổng lồ Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln nhìn nghiêng tạc vào vách đá, đang suy tư nhìn ra thế giới lồng lộng…

Bên cạnh du lịch biển, du lịch mua sắm, du lịch giải trí, du lịch văn hóa…; Malaysia cón có du lịch rừng, du lịch khám phá - mạo hiểm… với nhiều trải nghiệm bất ngờ. Đến Malaysia, cảm nhận của tôi về du lịch là sự chuyên nghiệp và phân công xã hội. Malaysia xác định du lịch là Công Nghiệp (Tourist Industry) chứ không phải là Dịch Vụ (Services) kiểu “mạnh ai nấy làm” như ở Việt Nam. Ngay cạnh vườn quốc gia là các resort sinh thái theo môtip truyền thống mà hiện đại. Kiểu nhà sàn dài, thoáng đạt, tiện nghi, gần gũi và thân thiện với núi rừng hoang dã. Sang trọng, tĩnh lặng với thiên nhiên hào phóng. Các đường mòn xuyên rừng đều được dọn dẹp xinh xắn, có đoạn trải bê tông, cầu gỗ, cầu treo… tùy địa hình. Có chỗ để nghỉ ngơi, chụp ảnh; có tháp để vọng cảnh, xem thú; có khu chuyên biệt để huấn luyện dã ngoại (outdoor training). Nghĩ mà tiếc cho vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Cũng là di sản thiên nhiên thế giới, hang động hoành tráng hơn mà dịch vụ xô bồ, bát nháo. Khách đến một lần là sợ và rất ít du khách nhước ngoài. Kinabalu - ngọn núi cao 4.101m - là đỉnh cao thử thách bản lĩnh dân leo núi ở Asean, được tổ chức hơn cả chuyên nghiệp.Từ việc sắp xếp lộ trình, trạm dừng và chỗ nghỉ, nơi ngắm cảnh cho đến chỗ ngủ và y tế. Muốn chinh phục nóc nhà Đông Nam Á, khách phải đăng ký giữ chỗ trước mấy tháng. Mỗi ngày chỉ cho phép 120 người leo núi theo lộ trình nhất định - 2 ngày 1 đêm - dù cao hơn Fansipan cả ngàn mét. Thiết bị hỗ trợ và các porter cũng chuyên nghiệp hơn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Giấy chứng nhận cho du khách được in rất đẹp và trao trang trọng. Không có kiểu làm tùy tiện và quản lý nhập nhằng như ở Fansipan.

Malaysia có nhiều bãi biển cực đẹp. Việt Nam cũng chẳng kém nhưng thua xa họ về quy hoạch, về quản lý, về mọi mặt. Tôi đến Kinabalu, dạo biển ven thành phố, thấy chẳng ai tắm ở đây. Mấy miệng cống thả nước thải màu tro đổ ra biển hệt như bãi Trước ở Vũng Tàu. Du khách và cả dân địa phương đều ra đảo tắm biển. Thành phố có 6 hòn đảo ven bờ, đẹp như tranh, đi canô chỉ mươi phút là tới. Các resort ở đảo cực kỳ sinh thái. Cái thì nằm trên biển như các nhà hàng thủy tạ bằng gỗ mà biển vẫn trong veo và tung tăng cá lội. Đường nội bộ trên biển cũng bằng gỗ. Tại Gaya Na Eco Resort, du khách trước khi nhận phòng đều được xem phim tài liệu về biển Kinabalu, sau đó cùng nhau cấy các nhánh san hô vụn vào những chậu dinh dưỡng để thợ lặn đem trồng dưới đáy biển. Ở resort Chalets – vẫn chất liệu nhà sàn gỗ, nép dưới tán cây rừng ven biển, tôi đã thấy một chú rồng Kamodo nghênh ngang dạo chơi dọc lối đi. Nó thè lưỡi như muốn trò chuyện rồi sau đó lẫn vào rừng !. Biển rất đẹp nhưng không có sóng. Thích nhất là tắm chung với các đàn cá sặc sỡ đủ màu, hoặc cho chúng ăn hoặc đùa chơi với chúng. Ở đây có đủ loại hình dịch vụ du lịch biển và rừng. Tôi thích được lái xe ngầm xuống khám phá đại dương. Nhởn nhơ vui đùa, tắm biển ở đây mà nhớ về Nha Trang, Phú Quốc…Tại sao mình chưa làm được như họ? Nghe đâu đang qui hoạch Phú Quốc thành Casino quốc tế. Thiên hạ làm Casino ở chỗ vắng vẻ, đầu tư toàn diện từ đầu. Las Vegas và Genting đều như vậy. Hoặc ngay tại trung tâm đô thị, có sẵn các dịch vụ vệ tinh như ở Macao, Singapore. Không cần Casino thì Phú Quốc cũng thiếu vé máy bay, thiếu phòng quanh năm rồi.

Thức uống truyền thống của người Malaysia là “White coffee” – loại cà phê rang với một chút bơ, không dùng bất cứ nguyên liệu nào, có màu nhạt và hương vị đậm đà hơn .Tek Tarik – có nghĩa là uống một hơi – cón gọi là Kopi Tiams – loại trà đen trộn sữa đặc, được các Batandeur biểu diễn như xiếc. Bandung, còn gọi là Sirap Bandung, Air Bandung – gồm sữa và siro hoa hồng… Các món ăn phổ biến là Satay gồm các loại thịt ướp gia vị, cuộn que tre nướng, ăn với cơm nắm và nước sốt đậu phộng, các loại dưa. Otah Otah gồm cá hoặc các loại tôm, cua quết nhuyễn; trộn gia vị tổng hợp, gói lá chuối để hấp hoặc nướng; có thể ăn chơi, ăn với bánh mì... Roti Carai – bánh mì dẹt ăn kèm thịt, trứng chiên, cá và rau nấu như cá ri. Kuih là các loại bánh làm từ bột gạo hay bột khoai mì trộn nước cốt dừa, thơm, đường cọ…rồi hấp hoặc chiên. Nasi Lemak – cơm béo gồm gạo nấu với nước cốt dừa, lá dứa ăn với các loại thịt, càri cừu hoặc khô, kèm dưa leo, đậu phộng rang. Cơm Lá Chuối gồm cơm, rau, các loại càri, dưa chua…bày trên lá chuối. Cơm Biryani gồm gạo Basmati nấu với thì là, quế, gừng, hành, tỏi, các loại đậu…ăn kèm rau hoặc thịt. Nhiều món không hợp khẩu vị người Việt nhưng đảm bảo lạ, nên ăn cho biết. Hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm cũng được Malaysia khai thác triệt để theo nhu cầu và tâm lý du khách từng nước. Lại nhớ chuyện tuần rồi. Đoàn khách từ miền trung vào hỏi tôi : “Sài Gòn có món nào ngon, đặc trưng mà chỉ ở đây mới có ?”. Tôi suy nghĩ mãi không ra vì món nào cũng lai và gom của các tỉnh. Cuối cùng phát hiện ra một món không đụng hàng. Đó là “Bánh mì Sài Gòn – thơm ngon đặc ruột”. Mọi người vỗ tay cười bảo: “Đúng, đúng !”. Năm 2011, dự kiến du khách nước ngoài đến Malaysia sẽ vượt 28 triệu – bằng dân số cả nước, tiếp tục vị trí quán quân du lịch Asean. Mừng cho bạn và tủi cho mình. Cứ ray rứt như người có lỗi. Làm du lịch mấy chục năm mà cứ ì ạch “Đứng đầu tốp cuối Đông Nam Á”. Du lịch Việt Nam như chim Cánh Cụt, bất lực nhìn Đại bàng Malaysia và các nước tung cánh !

1 nhận xét: