Ngoài các di sản thế giới như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, kinh thành
Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long và Hà Nội – thủ đô ngàn năm vật, Việt
Nam còn có nhiều điểm đến lý thú mà du khách không thể bỏ qua. Travelbook xin
mời bạn xuất hành và khám phá.
1. Mũi Cà Mau
“Nước Việt Nam hình cong chữ S, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”. Nằm ở cực
Nam tổ quốc. Cà Mau ba mặt giáp biển nên ngắm được cả hoàng hôn và bình minh
trên biển. Bởi sông rạch chằng chịt (trên 7000km) nên giao thông đường thuỷ là
chủ yếu. Từ Cà Mau ra đất mũi 120km chỉ có thể đi thuyền máy (5g) hay canô (2g)
với bao cảnh quan kì thú. Nhưng tuyệt vời hơn cả là cảm giác lâng lâng khi đặt
chân lên đất mũi.
Cụm đảo hòn Khoai như bình phong chặn dòng hải lưu Nam Bắc, kiên trì bồi
đắp phù sa để dải đất chữ S cứ lưng lững tiến ra biển gần trăm mét mỗi năm. Bạn
nhớ đi chân đất để cảm nhận hơi ấm nồng nàn và hương đất ngọt ngào lan tỏa làm
rạo rực cả đất trời. Nghe thiên nhiên thì thầm câu chuyện “ cây mắm đi trước ,
cây đước đi sau, cây tràm bén gót”với rất nhiều đặc sản: cá lóc, cá đường, cá
khoai, thòi lòi, ba khía, mật ong … Nếu đi đường bộ xuống Sài Gòn có thể ghé
chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) , Cái Răng, Phụng Hiệp (Cần Thơ) … để hiểu và yêu
hơn con người cũng như sông nước Nam bộ.
2. Đảo Ngọc Phú Quốc
Là đảo lớn nhất Việt Nam thuộc tỉnh Kiên Giang (ngư trường lớn nhất nước).
Các bãi: Sao, Trường, Kem, Ngự … là những “hoa hậu biển” Việt Nam, tắm được cả
ngày lẫn đêm. Bạn có thể khám phá suối Tranh, tắm thắc, băng rừng … và mang về
một ít đặc sản đảo Ngọc : rượu sim , lá bứa , trà sâm (hỗn hợp hà thủ ô và rễ
tranh) , tiêu, nước mắm và cả chó Phú Quốc. Nhưng thú nhất khi đến Phú Quốc là
đi câu cá , mực. “ Nhất chạng vạng, nhì rạng đông”. Có thể câu chạy, câu cần
nhưng dễ nhất là câu ống. Tàu neo lại, móc mồi vào lưới và … thả dây. Mật độ cá
dày đặc, câu là dính. Phải khéo tay không thì “mất cả chì lẫn chài. Trên tàu có
sẵn bếp, gia vị, cứ việc trổ tài chế biến và cùng thưởng thức “chiến lợi phẩm”.
Hoặc lặn ngắm san hô; dùng xỉa; dùng “súng” bắn cá; xem lũ khỉ nghịch ngợm ra
bắt nhum, mò ốc …
Từ thành phố có thể đi máy bay ra Phú Quốc. Đi đường bộ phải xuống Rạch Giá
(285km), rồi đi tàu cao tốc ra Phú Quốc (120km). Nếu từ Rạch Giá xuống Hà Tiên
(90km) thì đi tàu chỉ còn 45km. Lại còn có thể tham quan khu đô thị lấn biển
của Rạch Giá, Hòn Phụ Tử và Hà Tiên thập cảnh.
Combo tour phú quốc |
3. Địa đạo Củ Chi
Nằm cạnh sông Sài Gòn, giáp Tây Ninh và Bình Dương, cách trung tâm thành
phố 75km thuộc xã Phú Mỹ Hưng. Hệ thống địa đạo xứng danh là kỳ quan chống giặc
ngoại xâm của nhân dân Sài Gòn Gia Định. Đây là công trình kiến trúc độc nhất
vô nhị , cả thành phố thu nhỏ dưới lòng đất. Với dụng cụ thô sơ, kiên trì và
sáng tạo, hàng chục ngàn “kiến trúc sư nhân dân” đã thiết kế và thi công trên
250km địa đạo. Có đủ phòng họp, hội trường, lớp học, trạm xá, thư viện, phòng
ăn, nhà nghỉ, nhà bếp, công sự chiến đấu … Quân đội Mỹ huy động hàng sư đoàn,
có cả xe bọc thép và máy bay hiện đại với rất nhiều thủ đoạn tinh vi vẫn bất
lực trước ý chí ngoan cường của quân dân “ Củ Chi – Đất Thép Thành Đồng”.
Hãy đến thử chui một đoạn địa đạo để tự hào và ngạc nhiên về bếp Hoàng Cầm
nấu không khói, về cách vô hiệu hoá chó berge đánh hơi cực giỏi, về tài xuất
qủy nhập thần nứt đất chui lên của du kích, về hiệu quả của ma trận chông tự
tạo … Rồi tự thưởng cho mình dĩa khoai mì (sắn) luộc chấm muối đậu phộng (lạc)
cực ngon, do tự tay các nữ du kích nấu và đãi khách. Nhớ ghé viếng đài tưởng
niệm Bến Dược và tham quan khu tái hiện vùng Giải Phóng Củ Chi ngay bên cạnh.
4. Đà Lạt
Thuộc cao nguyên Lâm Viên – Di Linh ở độ cao 1500m (cao nhất Tây Nguyên)
với nhiều danh xưng: Thành phố mùa xuân, ngàn hoa, ngàn thông, sương mù, tình
yêu , Paris của Phương Đông … Với tôi tất cả tên gọi trên đúng nhưng chưa đủ.
Phải nói thêm “Đà Lạt – thành phố 4 mùa trong 1 ngày”. Khí hậu, độ cao và địa
hình Đà Lạt có thể giống Bà Nà (Đà Nẵng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sapa (Lào Cai) …
nhưng không đâu nhiều hoa và đẹp như Đà Lạt.
Đà Lạt còn có nhiều hồ, thác, núi đẹp, hơn 2500 biệt thự cổ đặc thù, xen kẽ
hài hoà những công trình mới. Chùa Tàu (còn gọi là Thiên Vương Cổ Sát Tự và
chùa Trầm) với bảo điện thờ: Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ
Tát tạc bằng gỗ trầm; mỗi tượng cao 4m nặng 1 tấn rưỡi. Trên đường vào chùa có
2 chiếc “bàn xoay kì diệu” để khách tìm hiểu và tự lý giải về chúng. XQ Sử Quán,
trung tâm thêu tay lớn nhất Việt Nam. Ga Đà Lạt – ga xe lửa cổ và đẹp nhất Đông
Dương … và…
Hình như tạo hoá đã ưu ái vùng đất này hơn hẳn những điểm có cùng độ cao
khác. Mỗi ngày có 2 chuyến bay đi-về từ thành phố Hồ Chí Minh còn xe thì giờ
nào cũng có. Nếu đi xe nhớ ghé Bảo Lộc – vùng trọng điểm trà, cà phê và dâu tơ
tằm của phía Nam.
5. Phan Thiết
Cách thành phố Hồ Chí Minh 197km về phía Bắc, chiếm hơn 2/3 số lượng resort
khắp cả nước. Được xem là “Phuket của Việt Nam” với nhiều bãi tắm lừng danh:
Hòn Rơm, Mũi Né, Hàm Tiến, Tân Thành …
Là ngư trường lớn thứ 2 cả nước, Phan Thiết – Bình Thuận còn sở hữu nhiều
Guiness. Đặc sản có: Thanh Long (50% cả nước) ; Sò Điệp (75%) ; Dừa 3 Nhát –
ngọt nhất Việt Nam… Danh thắng có: Vạn Thuỷ Tú với bộ xương cá voi dài 22 m lớn
nhất Đông Nam Á. Chùa Phật Quang với bộ kinh Pháp Hoa khắc trên gỗ Thị gồm 118
bản do 3 vị thiền sư và 12 đệ tử thực hiện trong 28 năm (1704 – 1732 ). Núi
Takou với chùa Linh Sơn Trường Thọ có tượng Phật nằm dài 49m giữa rừng nguyên
sinh ở độ cao 475m. Lễ hội Trung Thu vào rằm tháng 8 hoành tráng và qui mô nhất
nước. Vĩnh Hảo, suối khoáng được khai thác sớm nhất (1930), hiện có thêm dịch
vụ tắm bùn khoáng, tắm khoáng với dược thảo và khu trồng tảo cao cấp. Sân golf
rộng 64ha – 18 lỗ trong đó lỗ thứ 9 là 1 trong 500 lỗ đẹp nhất thế giới và hiện
là sân golf duy nhất ở ven biển Việt Nam … và…
6. Đường
Hồ Chí Minh
“Trường Sơn
đông nắng , tây mưa
Ai chưa đến đó,
như chưa hiểu mình”
(Tố Hữu)
Con đường huyền thoại, kì tích của tuổi trẻ Việt Nam. Với hàng chục triệu
ngày công, hàng trăm ngàn tuổi trẻ đã đi suốt hành trình cực kì gian khổ, thấm
đẫm mồ hôi và máu, đánh thức và đưa cả núi rừng nguyên sinh ra trận. Bất chấp
mưa bom bão đạn của quân thù và thiên nhiên khốc liệt, con đường vẫn không
ngừng kiêu hãnh vươn xa, như trăm sông đổ ra biển lớn với 5 hệ thống đường dọc,
hàng trăm hệ thống đường ngang; tổng chiều dài gần 20.000km.
Đường Trường Sơn năm xưa là đường Hồ Chí Minh hôm nay, giai đoạn 1 chỉ hơn
1000km từ Nghệ An vào KonTum. Có thể bắt đầu từ ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) vào
hay từ Ngọc Hồi (KonTum) ra … Con đường đẹp, kiên cố và hiểm trở, ngạo nghễ
giữa rừng nguyên sinh như đường băng cho Việt Nam cất cánh. Dọc hành trình, bạn
có thể ghé sân bay Phượng Hoàng, ngã ba Đông Dương, Phước Sơn (vùng khai thác
vàng lớn nhất Việt Nam), tắm thác, ngắm “đường Trường Sơn ào ào lá đỏ”. Tham
quan hầm A Roàng 1, A Roàng 2, Cổng Trời, cầu treo ĐakRong, sân bay Tà Cơn, cửa
khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, ghé suối Bang
(suối khoáng nóng 104oC), động Phong Nha, Đèo Đá Đẽo, Khe Sim, Khe Gát….
7. Bạch Mã
Nằm ở phía bắc đèo Hải Vân, độ cao gần 1500m. Có thể từ Đà Nẵng ra (60km)
hay từ Huế vào (40km) rồi chuyển xe từ quốc lộ 1 đi tiếp 19km. Đến Bạch Mã thú
nhất là tắm tiên ở Ngũ Hồ, tắm massage ở các thác Trĩ Sao, Bạc,Thuỷ Điện, Trượt
… Nước trong như pha lê và mát rợn người. Quanh bạn là bạt ngàn hoa Đỗ Quyên,
cũng là tên dòng thác chính cao hằng trăm mét.
Trước 1975 Bạch Mã được Hướng Đạo miền Nam chọn làm điểm huấn luyện huynh
trưởng. Bạn có thể treking khám phá vườn quốc gia hoặc chinh phục Vọng Hải Đài
nhìn về Huế, về hồ Truồi (cội nguồn sông Hương), đầm Cầu Hai, phá Tam Giang …
Đừng quên nhờ anh Trương Cảm – người có thể bắt chước tiếng nói của 52 loài
chim và hàng chục loài thú làm hướng dẫn để trò chuyện với chúng.
Từ năm 1930, Bạch Mã đã có 139 biệt thự, sân quần vợt, bãi trực thăng. Hiện
các biệt thự được phục chế đủ tiện nghi nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính, quyến
rũ và hấp dẫn như các sơn nữ tuổi dậy thì.
8. Nhà thờ Phát Diệm
Cách Hà Nội 123 km về phía Nam, Thanh Hoá 88 km về phía Bắc, nhà thờ Phát
Diệm rộng 22 ha thuộc huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình. Năm 1828, dinh điền sứ
Nguyễn Công Trứ đã trổ tài “Kinh bang tế thế” biến vùng bùn lầy cỏ sậy thành
Kim Sơn trù phú ngày nay.
Nhà thờ kiến trúc theo thuật phong thủy. Tiền thủy là ao lớn, nơi giáo dân
ra bến đá rửa chân trước khi vào dự lễ; hậu sơn là ba hang đá nhân tạo: Belem,
Lộ Đức và núi Sọ. Hai cửa chính Đông, Tây, sân và nhà vuông còn gọi là Phương
Đình đều làm bằng đá. Nhà có 3 tầng, ngang 21m, dài 17m, cao 25m; có sập đá
nguyên khối ở giữa như sập rồng nhà Hồ. Trên cùng có chuông đồng nặng 2 tấn,
tiếng chuông vang xa cả chục cây số. Nhà thờ lớn xây dựng từ năm 1891 gồm 9
gian với 52 cột gỗ lim đỡ 4 mái. 16 cột ở giữa, mỗi cột có chu vi 2m6, cao 11m,
nặng 7 tấn. Các phù điêu bằng gỗ hoặc đá, chạm trổ tinh vi, xen kẽ cả chữ Hán
lẫn chữ La Tinh và chữ Việt. Mỗi bên nhà thờ lớn có 2 nhà thờ phụ: thánh Giuse,
thánh Phêrô, Trái tim Đức Mẹ (nhà thờ đá) và nhà Hát. Phía sau có 4 nhà thờ nhỏ
hơn.
Đây là quần thể nhà thờ Công Giáo độc đáo và đồ sộ nhất Đông Nam Á. Mặc dù
kết cấu nền phức tạp, cả trăm năm công trình vẫn sừng sững như đức tin của các
giáo dân quyết chí “tốt đạo đẹp đời”. Từ nhà thờ Phát Diệm, bạn có thể viếng cố
đô Hoa Lư với đền thờ vua Lê Đại Hành, vua Đinh Tiên Hoàng; đi thuyền tham quan
Tam Cốc, Bích Động; Khám phá rừng Cúc Phương … và thưởng thức món “tái dê chấm
với tương gừng” ngon nhất thế giới .
9. Côn Sơn – Kiếp Bạc
Côn Sơn thuộc xã Cộng Hoà, Chí Linh, Hải Dương, cách Hà Nội 72 km. Nằm giữa
núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân; có cả núi, rừng thông, chùa, tháp, suối và các di
tích nổi tiếng gắn liền cuộc đời nhiều danh nhân lịch sử. Chùa Côn Sơn xây dựng
từ thế kỷ 12 theo kiểu chữ công thuộc thiền phái Trúc Lâm (Côn Sơn – Yên Tử –
Quỳnh Lâm). Nhà tổ, có tượng Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền
Quang), ông bà Trần Nguyên Đán, Nguyền Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Sân chùa có nhiều Sứ (còn gọi là cây Đại, Chămpa) cổ thụ trên 600 tuổi cùng
các bia đá từ thời nhà Trần. Sau chùa là Giếng Ngọc linh thiêng để khách rửa
mặt cho lòng thêm thanh thản rồi vượt hơn 600 bậc thang lên Bàn Cờ Tiên và
Thạch Bàn. Từ Vọng Lâu Đình, tưởng như hùng thiêng sông núi và hào khí của danh
nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi, của Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán (ông nội của
Trần Nguyên Hãn, ông ngoại của Nguyễn Trãi) đang cuồn cuộn trong tim.
Cách Côn Sơn 6 km là đền Kiếp Bạc, được xậy dựng từ thế kỉ 14 ở trung tâm
thung lũng Kiếp Bạc trù phú, có núi Rồng bao bọc chở che. Đây từng là nơi đóng
quân và là phủ đệ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – danh tướng duy nhất của
thế giới ba lần đánh bại đế quốc Mông Cổ .
10. Sapa
Từ Hà Nội có thể đi xe hoặc tàu lửa lên Lào Cai (333km) rồi đi tiếp 38km là
đến Sapa. Ở độ cao 1.600m, khí hậu mát và lạnh hơn cả Đà Lạt. Gặp trời mưa hoặc
mây mù, nhiệt độ thay đổi đột ngột, mùa đông nhiều năm có tuyết. Có nhiều biệt
thự cổ kính xen lẫn hiện đại điểm xuyết những kiến trúc bản địa. Tết, đào – mận
rợp cả trời xuân. Các dân tộc: H’mông , Tày, Nùng, Dao, Thái, Giáy, Lự, Mừng,
Xá Phó, Hà Nhì … trang phục rực rỡ như trẩy hội. Phố núi ngày nào cũng rộn ràng
hơn Tết, cả đêm lẫn ngày. Đặc biệt là những đêm cuối tuần, chợ họp đến sáng.
Từ Sapa có thể leo núi hàm Rồng, khám phá: vườn lan, vườn hoa, cổng trời …
cùng nhiều cảnh quan kỳ thú và thưởng ngoạn chương trình ca nhạc đặc sắc các
dân tộc. Trước mặt, núi Phangxipang cao 3143m, nóc nhà của Đông Dương, sừng
sững mời gọi và thách thức. Hoặc tham quan các danh thắng như: Thác Bạc, Cầu
Mây, bản Các Các, các thửa ruộng bậc thang … và nhất là bãi đá cổ Sapa. Bãi đá là
di tích của người Việt cổ với nhiều điêu khắc độc đáo, từ hoa văn trang trí đến
hình người, nhà sàn, các ký hiệu có lẽ là chữ viết cổ nhưng chưa giải mã được.
Các tảng đá được thiên nhiên sắp xếp lạ lùng như: tảng đá vợ – tảng đá chồng,
đàn hổ đá với nhiều truyền thuyết ẩn dụ.